Thói quen tắm suối nước nóng đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt của Nhật Bản. Nếu có dịp đến xứ sở hoa anh đào, bạn đừng quên ghé qua các điểm tắm suối nước nóng để được trải nghiệm và thư giãn nhé.
Thói quen tắm suối nước nóng có từ bao giờ?
Ngày xưa, Nhật Bản là một nước nông nghiệp, đời sống dựa vào trồng lúa. Mỗi vụ mùa của họ thường kết thúc vào mùa thu và đến tận mùa xuân năm sau mới bắt đầu một vụ mùa mới. Trong thời gian đó họ thường tìm đến các suối nước nóng để nghỉ ngơi và thư giãn sau tháng ngày lao động vất vả. Từ đó, thói quen tắm suối nước nóng dần trở thành một nét văn hóa của người Nhật. Ngày nay, người Nhật và cả du khách nước ngoài đều chọn đến tắm Onsen vào các kỳ nghỉ lễ như là một cách để thư giãn, xua tan mệt nhọc và chăm sóc cơ thể nhờ vào khoáng chất dồi dào có trong Onsen.
Onsen – món quà từ thiên nhiên
Từ lâu, onsen luôn được người dân Nhật Bản ví như món quà của thiên nhiên. Tại đất nước mặt trời mọc, địa hình đồi núi chiếm lĩnh chủ yếu với khoảng 75%. Trong đó có đến 110 ngọn núi lửa còn đang hoạt động. Hệ thống các mạch nước ngầm được các magma núi lửa làm nóng và các khoáng chất kết hợp nguồn nước tinh khiết dưới lòng đất đã góp phần tạo nên các suối nước nóng tự nhiên (được gọi là onsen). Nhiệt độ trung bình của suối nước nóng khoảng từ 25-60 độ C, có nơi lên đến 100 độ C. Tùy theo vị trí địa lý và khoáng chất vùng đó mà suối nước nóng các vùng có màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, vàng, hồng…khá thú vị.
Hiện nay, tại Nhật có hơn 20,000 suối nước nóng. Nhưng theo luật về suối nước nóng ban hành năm 1948, những nơi nào đáp ứng điều kiện: nước suối ở trạng thái tự nhiên trên 25 độ C và chứa ít nhất một trong 19 khoáng chất thường thấy ở vùng biển Nhật Bản, mới được gọi là Onsen. Tính đến năm 1990, có khoảng 2,300 onsen đạt tiêu chuẩn.
Người Nhật quan niệm, khi rũ bỏ xiêm y, con người trở nên bình đẳng, không còn những ranh giới của địa vị và tiền bạc. Onsen là nơi mọi cùng tận hưởng món quà thiên nhiên ban tặng, nhìn nhau theo bản chất là con người và thoải mái kể nhau nghe vài câu chuyện vui cho lần gặp gỡ tình cờ này.
Liệu pháp chữa lành thể chất lẫn tinh thần
Một trong những lợi ích của onsen được biết đến nhiều nhất là tác dụng trị liệu – vốn có lịch sử lâu đời ở Nhật. Các samurai thường chữa lành vết thương và thư giãn trong suối nước nóng sau mỗi trận chiến. Một số onsen, chẳng hạn như Tsurunoyu ở tỉnh Akita, đã được phát hiện sau khi người ta nhìn thấy động vật ngâm cơ thể bị thương trong dòng suối nóng.
Nhiều bệnh viện được xây dựng trên các địa điểm có suối nước nóng tự nhiên, và nước được dùng để chữa bệnh. Hàm lượng khoáng chất khác nhau trong onsen có tác dụng điều trị các vấn đề sức khỏe như táo bón, tiểu đường, đau nhức cơ bắp, thấp khớp, giảm viêm da cơ địa… Tsukioka Onsen ở Shibata (Niigata) có một suối nước nóng tên Bijinnoyu, tạm dịch là “suối nước nóng dành cho người phụ nữ xinh đẹp”, mang màu xanh ngọc lục bảo hiếm có.
Chính những lợi ích sức khỏe này đã giúp onsen trở thành điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở đó, văn hóa tắm onsen đã lan rộng ra nhiều quốc gia, làm xuất hiện các công trình onsen có một không hai trên thế giới.
Các kiểu Onsen
Có 2 kiểu tắm Onsen là Onsen ngoài trời và Onsen trong nhà.
Onsen ngoài trời (gọi là rotenburo hay notenburo).
Ở đây, du khách sẽ vừa đắm mình vào dòng nước ấm áp, vừa ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Onsen trong nhà cũng được ưa chuộng vì không phải đầu tư nhiều về cảnh quan cũng như chi phí dịch vụ.
Các Onsen trong nhà thường có trong các khách sạn và nhà trọ tư nhân.
Quy định khi tắm Onsen
- Cởi bỏ dép và quần áo đúng nơi quy định: Người Nhật rất quan trọng điều này vì họ không muốn Onsen bị vấy bẩn. khi đã cởi bỏ hết y phục, khách chỉ được mang một cái khăn tắm nhỏ vào Onsen. Việc mặc đồ lót vào Onsen cũng không được phép.
- Tắm thật kỹ trước khi vào Onsen: Mọi người phải tắm và kì cọ thật sạch sẽ tại nơi tắm riêng biệt trước khi bước vào Onsen. Xà phòng cũng không được mang vào tắm Onsen vì xà phòng có thể gây ô nhiễm Onsen bởi các chất hóa học nhân tạo.
- Khăn tắm nhỏ: Vật duy nhất được đem vào Onsen là chiếc khăn tắm nhỏ. Khi tắm, chiếc khăn ấy được để bên ngoài bồn tắm hoặc đặt trên đầu. việc giặt/vắt khăn hay bỏ khăn vào bồn là cấm kị.
- Chỉ ngâm mình trong Onsen: Khi đã bước hẳn vào Onsen, bạn không được bơi, lặn hay làm bất kì hành động gì gây ảnh hưởng đến giây phút thư giãn của người khác. Nếu vi phạm, bạn sẽ bị mời khỏi bồn tắm.
- Hình xăm: Những người có hình xăm thường không được hoan nghênh ở Onsen vì mọi người sẽ nghĩ người đó là yakuza (thành viên băng đảng mafia). Dù quan niệm ấy không còn mạnh mẽ như trước nhưng việc từ chối vào Onsen đối với những người mang hình xăm vẫn có khả năng xảy ra.
- Một số nơi tắm Onsen có quy định riêng. Nếu có dịp đi tắm Onsen, bạn nên tham khảo quy định của nơi đó hoặc trực tiếp hỏi nhân viên, hướng dẫn viên của bạn để tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐƠN HÀNG TTS SỐ 3 NGÀNH HÀN 溶接 (CO2)
Khám phá trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (China University of Science and Technology – CUST)
TUYỂN DỤNG: Công ty Futurelink Star Tuyển dụng 02 Giáo viên Dạy Tiếng Anh tại Hà Nội
Những điều cần biết về đơn hàng chế biến hải sản thị trường Nga
Đại học Minh Tân: Minghsin University of Science and Technology (MUST)
Thông tin tuyển sinh Đại học Sư phạm Quốc lập Đài Loan kỳ xuân 2025
Thông tin tuyển sinh Đại học Đạm Giang kỳ xuân 2025
Thông tin tuyển sinh Đại học Đài Bắc kỳ xuân 2025