VIỄN ĐÔNG (NGA): CƠ HỘI LỚN CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Liên tục đẩy mạnh hợp tác

Dẫn chúng tôi lên đỉnh ngắm cảng, ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại, trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông (Nga) chia sẻ tình hình. Sau gần 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu mà Nga là trụ cột, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Viễn Đông đã tăng gấp đôi, từ gần 100 triệu USD năm 2016 lên 223 triệu USD năm 2019. Năm 2020, dù dịch Covid-19 hoành hành, con số này vẫn đạt 207 triệu USD.

Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực. 

Nhưng năm 2021, tình hình có vẻ khó khăn hơn. Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov cho biết, khối lượng trao đổi thương mại của Khu liên bang Viễn Đông (Nga) với Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 77,6 triệu USD.

Hải quan Nga thống kê, hằng tháng, khoảng 28-32 nghìn tấn hàng từ Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đi qua 3 cảng chính là Saint Petersburg, Novorossiysk và Vladivostok. Thời điểm này, lượng hàng đi qua cảng Vladivostok đạt trên 14 nghìn tấn.

Những con số đó rõ ràng chưa làm hài lòng hai phía Việt Nam và Nga, nếu nhìn vào tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại hai nước. Một trong những lý do khiến hàng hóa lưu thông chậm thời gian này là do vận tải.

 

Ông Đỗ Quốc Việt (Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga) tại Đối thoại Kinh tế Nga – ASEAN.

 

Ông Đỗ Quốc Việt thuộc Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga mang nhiều tâm tư đến Đối thoại Kinh doanh Nga – ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021. Cả doanh nghiệp Việt Nam và Nga đều ảnh hưởng nặng nề, khi giá vận chuyển hàng hóa đường biển từ TP Hồ Chí Minh sang Vladivostok tăng gấp 10 lần trước đây.

Ông Việt giải thích, điều này do giá tàu biển và vỏ container, số ngày tàu trên biển và các phụ phí khác đều tăng. Ông Việt đề xuất mau chóng khắc phục những khó khăn, tắc nghẽn hàng giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, phía doanh nghiệp Việt Nam mong đơn giản hóa và giảm chi phí đưa hàng qua Vladivostok.

 

 

Những tín hiệu vui

Chúng tôi nhắc lại đề xuất của ông Việt khi phỏng vấn Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov.

Ông Alexey Chekunkov trả lời: Một hướng đi đầy hứa hẹn là mở tuyến vận tải container trực tiếp giữa Vladivostok và các cảng của Việt Nam. Hiện hàng từ Việt Nam sang Vladivostok phải trung chuyển tại các cảng của nước thứ ba (Hàn Quốc), khiến trung bình phải mất từ 14 đến 18 ngày. Nhưng khi tuyến container trực tiếp được triển khai, thời gian dự kiến chỉ mất từ 8 đến 10 ngày.

Cùng giải pháp đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn khi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại Việt Nam tại Viễn Đông (Nga).

Ông Thành phân tích, tuyến đường biển vận chuyển thẳng từ Việt Nam đến Vladivostok sẽ giúp giảm chi phí khoảng 200-300 USD/container, đồng thời giảm thời gian vận tải trên biển khoảng 1 tuần.

Ông Thành còn cho biết, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông đang hỗ trợ một tập đoàn trong nước hợp tác với đối tác sở tại nghiên cứu dự án mở lại tuyến đường biển từ cảng Hài Phòng đến cảng Vladivostok. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường làm việc thẳng với các chuỗi siêu thị và sàn thương mại điện tử của Nga, để đưa nhiều hơn các mặt hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng Nga.

Liên quan cảng biển, thêm một tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021, chính quyền vùng Primorye đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập một cảng trung chuyển đa năng mới ở vịnh Sukhodol, cách thành phố Vladivostok khoảng 80 km.

Cụ thể, dự án gồm một bến than với công suất 12 triệu tấn đang được thi công, dự kiến có thể nâng lên 20 triệu tấn/năm. Các cơ sở khác gồm một khu cảng container nước sâu và một nhà ga hàng ngũ cốc. Tổng lượng hàng hóa lưu chuyển của cảng dự kiến ​​hơn 70 triệu tấn.

Sau nhiều năm công tác, ông Nguyễn Hồng Thành nhận định, thị trường Nga nói chung và Viễn Đông nói riêng tương đối dễ tính. Hầu hết các sản phẩm dệt may, da giầy, cao-su, đồ gỗ, thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam đều có thể tiêu thụ tại Nga.

 

Nguồn: Báo nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *